Cách viết CV dành cho Software Developer

CV

Hướng dẫn sử dụng:

  • Bài này do mình, một IT Technical Recruiter viết; đối tượng hướng tới là các bạn Software Developers đã có kinh nghiệm làm việc.
  • Bài này cũng thể hiện quan điểm và sở thích cá nhân khi nhận và đọc CV của ứng viên, nó không phải là chuẩn chung cũng như sẽ có thể khác hoặc trái ngược quan điểm của các recruiter hay nhà tuyển dụng khác, vậy nên các bạn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, đừng chết vì lười đọc.
  • Bài này được viết do ngẫu hứng, không được chuẩn bị trước, chủ yếu dựa trên những bức xúc bấy lâu khi đọc CV của ứng viên, nên chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề chưa đề cập đến. Ai muốn bổ sung hay góp ý hay gì gì đó thì cứ email cho mình (khuyen.le-minh @ jobseeker.vn)
  • Mình viết dựa trên kinh nghiệm làm việc với các công ty nước ngoài, nên bài viết có thể sẽ không đúng với các bạn muốn apply vào các cty Việt Nam hay Nhà nước.
  • Không có cách viết hay mẫu CV/Resume nào gọi là chuẩn cho tất cả, mà nó tùy thuộc và kinh nghiệm bản thân, ngành nghề cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Đầu tiên cần phân biệt giữa CV (Curriculum Vitae) và Resume (or Résumé):

  • CV: Viết dài, ghi chi tiết về thời gian, các kinh nghiệm, kỹ năng, quá trình học tập, etc .. CV cover toàn bộ quá trình sự nghiệp của bạn. Thường thì CV tốn nhiều trang A4 để viết (tầm 2~4 trang là đẹp). CV chuyên dùng để bạn show hàng đến từng sợi lông cho nhà tuyển dụng thấy
  • Resume: Ngắn gọn, súc tích, chỉ thể hiện những ý chính, thành tích nổi bậc, không đi sâu vào chi tiết. Thường thì Resume chỉ nên gói gọn trong 1 trang,. Resume rất hiệu quả để bạn bước ra khỏi đám đông, cho recruiter một cái nhìn overview về bạn, giúp bạn nổi bậc hơn so với hàng chục hay hàng trăm ứng viên khác.
  • Hai thứ này tạm dịch ra tiếng Việt là Sơ yếu lý lịch, nhưng nó không giống với Sơ yếu lý lịch mà các bạn hay đem ra phường chứng thực, nên không cần phải ghi số CMND, nhà có mấy anh chị em, ba má trước 1975 làm gì hay ở đâu…. Cái này tập trung vào bạn, kinh nghiệm làm việc cũng như kỹ năng của bạn, và không cần phải ra phường để xác nhận.
  • Cá nhân mình là recruiter và mình thích các bạn gửi cho CV mình hơn. Resume không thích hợp cho developer vì nó quá ngắn, recruiter không đủ dữ liệu để đánh giá về kinh nghiệm cũng nhưng kỹ năng của các bạn, nhất là các recruiter không có background hay knowledge bên mảng IT.

Nên viết CV bằng tiếng Việt hay tiếng Anh:

  • Đầu tiên là bạn phải xem kỹ công ty yêu cầu nộp CV bằng tiếng Việt hay tiếng Anh. Nếu họ không đưa yêu cầu cụ thể, thì bạn nên tìm hiểu xem đó là cty của nước nào, nếu không phải là công ty của Việt Nam thì nên nộp hồ sơ bằng tiếng Anh. Ngoài ra một số công ty có thể yêu cầu CV bằng tiếng Trung hay tiếng gì đó mà họ thích.
  • Còn riêng cá nhân mình thì mình thích nhận CV tiếng Anh hơn. Nếu bạn gửi CV tiếng Việt cho mình, mình sẽ reply lại và yêu cầu 1 CV khác bằng tiếng Anh.

 

Nên viết gì trong CV?

Personal Information:

  • Họ và tên đầy đủ, nên viết bằng tiếng Việt không dấu (thật ra có dấu cũng được, nhưng mình thích không dấu hơn)
  • Thông tin liên lạc: chuẩn nhất là có email, số điện thoại di động và địa chỉ liên lạc để recruiter có thể liên lạc bạn theo cách nhanh nhất (điện thoại) và formal (email) và gửi thư từ, giấy tờ cho bạn (địa chỉ liên lạc, chứ không cần phải ghi địa chỉ hộ khẩu). Tuy nhiên, nếu có skype hay yahoo thì cũng tiện lợi trong nhiều trường hợp. Ngoài ra còn có thể đưa link của blog/web cá nhân, profile trên Linkedin, gitHub hay stackoverflow, …. Tóm lại, thông tin liên lạc và những thứ liên quan có focus vào công việc
  • Hình: Có nhiều quan điểm trái ngược nhau về việc có nên để hình vào CV hay không. Theo mình thì nếu bạn tự tin bạn đẹp trai hay xinh gái khi lên hình thì hãy để vào, còn không thì không cần, không nên. Tuy nhiên,  nếu bạn không để hình và tên của bạn nó lưỡng tính, khi người ta đọc vào không (hay khó) phân biệt là trai hay gái (ví dụ như mình là male, tên là Lê Minh Khuyến, nếu không để hình thì 7/10 người kêu là *chị*), thì bạn nên để thêm phần giới tính vào, không quan trong lắm, nhưng để tránh nhầm lẫn.

Career Objective/Goals

Hãy cẩn thận khi bạn đưa mục này vào CV, vì nó có 2 mặt:

  • Tích cực: thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy tinh thần cầu tiến, đặt mục tiêu và có kế hoạch của bạn, có thể goal của bạn phù hợp với công ty.
  • Tiêu cực: nhà tuyển dụng có thể cho rằng mục tiêu của bạn không phù hợp với vị trí bạn đang làm, có thể bạn sẽ không gắn bó với cty, ….. Ví dụ: 1 công ty tuyển người cho vị trí .NET Developer, trong job description có ghi “If your career objectives have the non-technical path within the next xxx years, this position is not suitable for you”, nhưng bạn ghi objectives là muốn trở thành Project Manager trong 5 năm tới thì coi như thua hết 70% cuộc chơi rồi.

Career Summary

  • Có thể có hoặc không có mục này, cái này nó chỉ đơn giản là liệt kê lại thời gian nào bạn đã làm ở công ty nào và ở vị trí gì, giúp recruiter có cái overview về jobs và số năm kinh nghiệm của bạn
  • Nếu liệt kê, bạn hãy ghi theo thứ tự thời gian từ gần đây nhất trở về trước

Technical Skill Summary:

  • Có thể có hoặc không, nó chỉ đơn giản là liệt kê những technical skills mà bạn biết, có kinh nghiệm sử dụng, ….
  • Tuy nhiên, nếu bạn public CV của bạn lên internet, thì mục này rất hữu ích giúp CV của bạn dễ dàng được recruiter tìm thấy thông qua search engines như Google hay Bing

Professional Experience/Employment History

  • Phần này quan trọng nhất và khó nhất, hãy liệt kê theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến cũ nhất các công việc bạn đã làm.
  • Mỗi một công việc, bạn cần ghi đầy đủ *tên công ty, tháng/năm bắt đầu làm – tháng/năm nghỉ việc, vị trí*. Bên dưới, hãy gạch đầu dòng những trách nhiệm/công việc chính của bạn khi làm ở vị trí đó. Cố gắng ghi ngắn gọn nhưng đủ ý, tránh dài dòng hay đi sâu vào chuyên môn.
  • Nếu bạn đã làm qua nhiều công ty/vị trí thì CV sẽ rất dài khi liệt kê hết, bạn có thể:
    – Chỉ liệt kê những công việc trong thời gian vài năm trở lại
    – Chỉ liệt kê những công việc giúp cho CV bạn phù hợp hơn so với vị trí bạn sắp ứng tuyển
  • Ngoài ra, là developer, bạn có thể trình bày kinh nghiệm làm việc theo cách khác, đó là liệt kê theo những dự án bạn đã làm:
    – Tên dự án (nếu được phép ghi tên, vì một số dự án phải ký NDA, không được tiết lộ thông tin ra ngoài)
    – Làm ở công ty nào, thời gian nào
    – Mô tả ngắn gọn dự án
    – Man-days/months của dự án
    – Team sizeVai trò của bạn trong dự án
    – Những kỹ thuật bạn đã sử dụng trong dự án (programming language, frameworks, ….)
    – Link đến những dự án đang chạy mà bạn đã làm (nếu có)
  • Bạn không cần ghi lý do rời khỏi công ty hay mức lương ở những vị trí trước đây, công ty sẽ hỏi bạn khi họ muốn biết

Education, Training, Soft-skills, Languages

  • Nên có, nhưng không có cũng không sao
  • Bạn chỉ nên đưa những bằng cấp phù hợp và có tính hỗ trợ cho công việc mà bạn sắp apply vào. Việc ghi quá nhiều bằng cấp hoặc bằng cấp quá cao có thể làm nhà tuyển dụng nghĩ bạn không phù hợp hoặc sẽ đòi lương cao hơn mức họ có thể trả, … nói chung là quá nhiều so với nhu cầu.
  • Chỉ liệt kê những soft-skills nào mà bạn thực sự có và phù hợp cho vị trí ứng tuyển
  • Quá nhiều bằng cấp hay chứng chỉ, khóa học soft-skills không liên quan hay hỗ trợ nhau, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn rất ba phải hoặc không có định hướng hoặc là nổ.
  • Nếu bạn biết thêm ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh, hãy ghi vào và ghi cụ thể trình độ của bạn về ngôn ngữ đó

References/Achievements/Recommendation

  • Có thì tốt, không có cũng không sao. Công ty sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin người tham khảo khi họ cần.
  • Nếu bạn có để thông tin người tham khảo, bạn nên xin phép hoặc báo trước với những người đó. Chỉ để thông tin kham khảo của cấp trên/đồng nghiệp/cấp dưới, những người có thể nhận xét bạn về công việc, đừng để vào đó nhưng người có quan hệ cá nhân.
  • Chỉ để những achievement/recommendations đáng tự hào nhưng liên quan tới công việc bạn muốn ứng tuyển.
  • Nếu có nhiều quá, hãy bỏ bớt và giữ lại 3 cái tốt nhất và liên quan gần nhất.

Trình bày CV như thế nào

  • Format, font và màu chữ đồng bộ xuyên suốt CV. Chỉ nên dùng font Unicode (Time New Roman, Arial hoặc Tahoma), font size từ 10-12 tùy font và màu đen. Ở những chỗ như title hay tên mình, header thì nên dùng font lớn (cỡ 14-16) và in đậm/gạch chân để nổi bật hơn
  • Chú ý lỗi chính tả và độ chính xác thông tin,  đọc đi đọc lại nhiều lần
  • Nên save CV ở format *.doc, *.docx hoặc *.pdf, nhưng mình khuyến khích là *.doc hoặc *.docx. Vì sao? Vì dễ lưu trữ, tìm kiếm, chỉnh sửa và in ấn. Một số công ty còn dùng ATS (applicant tracking system) để quản lý CV, nghĩa là robot sẽ đọc CV của bạn. Bạn gửi CV bằng file MS Word thì recruiters sẽ rất cảm ơn bạn vì họ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho việc nhập liệu và dễ ghi chú.

Bao lâu thì nên update CV 1 lần

  • Đừng xem việc viết CV là 1 công việc nặng nhọc, hãy xem nó như là 1 công cụ ghi lại chi tiết sự nghiệp cũng như quá trình thăng tiến của mình.
  • Đừng dùng 1 bản CV duy nhất và gửi cho tất cả nhà tuyển dụng. Hãy viết 1 CV khác, lọc ra những kinh nhiệm, kỹ năng, khóa học, phần thưởng, recommendations… phù hợp nhất hoặc có thể support cho công việc mà bạn đang muốn apply vào. Như vậy sẽ làm cho nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp với công việc và cũng giúp CV của bạn sạch sẽ, dễ nhìn hơn.
  • Tốt nhất là bạn nên làm 1 CV có liệt kê đầy đủ thông tin nhất có thể, khi bạn có gì mới thì hãy update vào CV này. Mỗi khi bạn muốn apply vào công việc mới hay có recruiter kêu bạn gửi CV cho họ, bạn chỉ cần copy ra 1 bản khác và tốn 15 phút để delete những thông tin không phù hợp và gửi đi. Nhanh gọn lẹ!

Quảng bá CV của mình đến các recruiters

  • Bạn có nhu cầu xin việc, bạn gửi CV cho nhà tuyển dụng. OK!
  • Trường hợp bạn chưa muốn chuyển việc, nhưng luôn open cho những challenges mới hoặc dọn đường trước để lãnh lương tháng 13 xong rồi biến, hãy quảng bá CV của bạn đến các *job owners* tiềm năng. Hãy tạo profile của bạn trên mạng xã hội (linkedin), cố gắng tạo nhiều connections trong lĩnh vực mà bạn quan tâm, hãy connect với nhân viên tuyển dụng của công ty, HRM, headhunters, CTO hay CEO của công ty, dev ở những cty khác, …những network  này sẽ giúp bạn rất nhiều cả khi bạn chủ động tìm việc hoặc được *săn* bởi các công ty săn đầu người.
  • Tuy nhiên, public thông tin cá nhân lên internet đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị spam của bạn gia tăng, bằng cách này hay cách khác

Chú ý khi nộp hồ sơ qua email

  • Thành thật mà nói mình không thích các bạn đến gặp trực tiếp để đưa hồ sơ ứng tuyển (trừ khi được yêu cầu), mình thích nhận hồ sơ online qua email hơn. Lý do thì có rất nhiều, nhưng đại khai là vấn đề về nhập liệu, lưu trữ, tìm kiếm và quản lý. Đó là chưa kể đến việc khi bạn đến công ty mà không thông báo trước, đôi khi bận, không thể ra tiếp được.
  • Khi nộp hồ sơ qua email, bạn có thể gọi điện hoặc chat với recruiter để báo, phòng trường hợp email của bạn rơi vào spam box. Tuy nhiên, cũng có một vài recruiters không thích việc nhắc này.
  • Tiêu đề email: Tên mình và vị trí mình muốn apply (để tiện việc search emails cũ). Nếu công ty có yêu cầu cụ thể về cách viết tiêu đề thì hãy làm theo yêu cầu của họ.
  • Viết cover letter, tức là khi bạn gửi email để ứng tuyển vào vị trí nào đó, thì ngoài cái attachment là CV ra, thì bạn nên viết vài dòng cho nhà tuyển dụng trong email, tránh việc để cái email không có chữ nào. Cá nhân mình thì không cầu kỳ về cái letter này, vì mình cũng hiểu là nhiều bạn cũng muốn viết cho hay, nhưng mà không biết viết cái gì. Vì vậy, khi viết cover letter bạn nên có những thông tin tối thiểu như sau:

Email title: Le Van Teo – Apply to Senior PHP Developer position

Attachment: Yes (dưới 500kb là đẹp, và nhớ kiểm tra attached file trước khi gửi)

————————————

Dear Mr Lê Minh Khuyến,

I’m Lê Văn Tèo, a 05 years experience PHP Deveveloper. I would like to apply to the position of Senior PHP Developer (http://www.link-to-the-job-posted )

Attachment is my CV and I can be reached via mobile phone number: 01234567890

Thank you
Lê Văn Tèo

Các bạn lưu ý một số lỗi hay gặp mà có thể làm cho recruiter ghét ngay ở khi chưa kịp gặp:

  • Viết ngôn ngữ teen hoặc viết tắt nhiều quá, đọc vào không hiểu là viết cái gì
  • Dear sai tên người, sai tên cty, sai thông tin (thường là do rải CV nhiều cty cùng lúc, lười hoặc bất cẩn khi update). Ví dụ gửi cho HR bên FPT mà lại “Dear Harvey Nash”.
  • Apply cùng lúc nhiều cty, nhưng bỏ tất cả vào *To* mà không biết giấu vào *Bcc*
  • Không ghi rõ vị trí muốn apply
  • Gửi email không có tiêu đề, nội dung
  • Nội dung email xài nhiều font và màu chữ khác nhau (thường là do rải CV nhiều cty cùng lúc, lười hoặc bất cẩn khi update)
  • Gửi CV ở định dạng *.png hay *.jpg (rất bất tiện để lưu trữ, tìm kiếm và ghi chú). Các bạn designer, artist rất thích kiểu này. Thật ra, với các bạn làm “art”, thì cứ viết CV bình thường, cái portfolio sẽ thể hiện kỹ năng và “trình” của các bạn.
  • Bỏ CV trong file nén (không cần thiết)
  • CV màu mè, nhiều hình ảnh, download rất lâu, nhiều khi xài iPad download tốn tiền 3G
  • Gửi quá nhiều hình hay files làm attachment rất nặng (thường đính kèm bản điểm, bằng cấp khi chưa được yêu cầu)
  • Gửi nhiều file nhưng không rename file, nhìn vào không biết là file gì
  • Ghi cover letter dài dòng và nổ quá nhiều
  • Địa chỉ email quá nhố nhăng. Ví dụ email như hungphpcoder@….com hay myfirstjavaclass@….com.vn thì còn tạm chấp nhận được. Nhưng nhiều bạn còn sử dụng địa chỉ email nhưboyxitin@…com hay tommydispacy@….com. Nếu gặp recruiters khó tính họ có thể xoá luôn email của bạn

(Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/notes/490383531074390/)

Anh chị em có kinh nghiệm về việc viết CV và ứng tuyển muốn chia sẻ đến cộng đồng, vui lòng gửi bài viết về: hello@jobseekers.vn
Cảm ơn!
khuyen

Blog

Thủ thuật bỏ túi khi tìm việc mùa Covid-19

Trong bài viết này, mình tóm gọn những ý chính yếu nhất nhằm giúp các anh chị có thể ứng dụng được ngay. Do chỉ là thủ thuật bỏ túi thôi, nên mình không giải thích kỹ từng vấn đề, và nếu thấy...

Read more

Tạm tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính tới 4/2020

Ghi chú: Ở đây mình sử dụng số liệu gần nhất, đầu năm 2020, có tăng cao hơn so với năm 2019 (Ảnh minh hoạ)   Một số thông tin cơ bản cần nắm được: Cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì...

Read more